Chào BS!
Năm nay tôi 38 tuổi, thời gian gần đây sau khi ăn cơm xong tôi thường xuyên bị sôi bụng, nhưng không đau. Lúc đầu, tôi nghĩ là do nóng nhưng đã uống lá mát vẫn chưa khỏi. Vậy xin hỏi BS có phải tôi bị viêm đại tràng không? Và nếu bị thì tôi nên điều trị như thế nào? Rất mong BS sớm trả lời. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời
Chào bạn Thủy
Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau.
Hiện tượng sôi bụng thường xuyên sau khi ăn là do chứng tăng nhu động ruột gây ra. Khi nhu động ruột co bóp để nhào lộn và di chuyển thức ăn sẽ tạo ra những âm thanh ùng ục như tiếng sóng. Ở điều kiện bình thường, chúng ta sẽ khó có thể nghe được âm thanh này mà phải sử dụng ống nghe mới cảm nhận được. Tuy nhiên, nếu âm thanh ùng ục phát ra rất lớn (âm thanh mà chúng ta thường gọi là tiếng sôi bụng) khiến chúng ta có thể nghe thấy mà không cần sử dụng ống nghe thì chứng tỏ hoạt động của nhu động ruột đang bị gia tăng quá mức.
Tăng nhu động ruột thường là triệu chứng phổ biến của các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, phải kể đến như:
Mẫn cảm với thức ăn
Nếu bạn bị dị ứng hoặc không dung nạp với một loại thức ăn nào đó, thì bạn có thể bị sôi bụng thường xuyên. Chẳng hạn như, một số người mắc phải chứng không dung nạp với glutein (Glutein là một loại protein được tìm thấy nhiều trong những loại thực phẩm như là lúa mỳ, lúa mạch) thì họ sẽ hay bị đầy hơi, sôi bụng và buồn nôn sau khi ăn những thực phẩm giàu glutein.
Mặt khác dị ứng thức ăn là những phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch đối với một loại thức ăn nào đó. Biểu hiện sau dị ứng thức ăn thường rất đa dạng phụ thuộc vào loại thức ăn và cơ địa của từng người. Ví dụ như, có người ăn hải sản thì bị nổi mẩn ngứa trên da, nhưng có những người ăn trứng thì bị sôi bụng, tiêu chảy. Thậm chí, có những trường hợp bị dị ứng nghiêm trọng còn nguy hại đến tính mạng.
Viêm loét dạ dày
Triệu chứng của viêm loét dạ dày đó là:
- Đau bụng thường đau ở vùng thượng vị, cơn đau có lúc âm ỉ, lúc lại dữ dội
- Rối loạn tiêu hóa: ợ hơi, ợ chua, sôi bụng, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy
- Đại tiện ra phân màu đen như bã cà phê
- Các triệu chứng khác: bị hôi miệng, có rêu lưỡi trắng, hay bị chảy máu chân răng, cơ thể mệt mỏi xanh xao nếu bị bệnh lâu ngày.
80% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày là do vi khuẩn Hp. Ngoài ra, những người thường xuyên căng thẳng, stress, lạm dụng kháng sinh, hoặc có thói quen ăn uống không điều độ cũng góp phần hình thành căn bệnh này.
Viêm đại tràng
Các triệu chứng của viêm đại tràng bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài từ 2 đến 6 lần mỗi ngày.
- Đi ngoài phân lúc táo, lúc lỏng. Phân thường nát, không thành khuôn (sống phân).
- Bụng trướng hơi, căng tức, khó chịu dọc khung đại tràng.
- Đau bụng: âm ỉ ở phần dưới bụng hoặc dọc khung đại tràng. Đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện.
- Dị ứng đồ ăn: dễ đau bụng, trướng hơi, đi ngoài sau khi ăn những món nhiều dầu mỡ, chua cay, rượu bia, café …
Thông thường, viêm đại tràng không ảnh hưởng đến giấc ngủ, nhưng cũng có những trường hợp bị đau bụng vào ban đêm (hiếm) gây ra mất ngủ.
Hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt)
Hội chứng ruột kích thích là rối loạn chức năng ruột mạn tính, kèm theo đó là các dấu hiệu thường gặp như:
- Tình trạng rối loạn đại tiện: Người bệnh thường bị đi ngoài nhiều hơn 3 lần trong ngày hoặc ít hơn 3 lần/tuần. Tình trạng này tiếp diễn kéo dài khiến người bệnh rất lo lắng và mệt mỏi.
- Đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, có cảm giác nặng bụng. Dấu hiệu giảm đi sau khi đi đại tiện
- Tính chất phân thay đổi: Phân lúc lỏng lúc táo hoặc xen kẽ táo bón và phân lỏng, tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần. Phân có nhầy mũi nhưng không có máu.
- Nội soi đại tràng không tìm thấy tổn thương niêm mạc
Lưu ý:
Những dấu hiệu dưới đây không phải là triệu chứng của hội chứng ruột kích thích:
- Có máu trong phân hay trong nước tiểu
- Nôn mửa
- Cơn đau bụng hoặc tiêu chảy là thức dậy giữa chừng
- Sốt
- Sụt cân
Các nguyên nhân khác gây sôi bụng
Một số lý do sau có thể gây ra sôi bụng thường xuyên mà không phải do bệnh lý, cụ thể là:
- Ăn thức ăn có hàm lượng đường lớn
- Ăn các loại thực phẩm có chứa chất xơ không hòa tan gây khó tiêu(rau bắp cải, súp lơ, trái cây họ cam, quýt, táo, yến mạch...)
- Do stress, căng thẳng
➤ Như vậy, sôi bụng có liên quan đến rất nhiều bệnh lý về đường tiêu hóa, trong đó có cả viêm đại tràng. Tuy nhiên, viêm đại tràng thì thường đi kèm với những cơn đau bụng âm ỉ. Vì vậy có thể bạn không mắc phải căn bệnh này. Để biết được chính xác nguyên nhân gây ra sôi bụng trong thời gian gần đây là g, thì bạn nên tới bệnh viện để được kiểm tra cụ thể. Từ đó, bác sĩ sẽ cho bạn hướng dẫn điều trị phù hợp với tình trạng của bạn.
Trước khi đi khám, bạn nên ghi lại những loại thực phẩm mình đã ăn trong khoảng 1 -2 tuần gần đây, để bác sĩ dễ dàng hơn cho công tác chẩn đoán.
➤Nếu bạn bị viêm đại tràng thì các triệu chứng của viêm đại tràng có thể được cải thiện bằng các loại thuốc như là:
- Thuốc giảm đau co thắt (Spasfon, Duspatalin, No – spa….)
- Thuốc giảm táo bón (Laxan, Normacol, Forlax...)
- Thuốc chống tiêu chảy (Vinacode, Loperamide, Diarsed...)
- Thuốc chữa đầy hơi, sôi bụng (Debridat, Carbophos, Duspatalin, Motilium – M, Sorbitol,..)
- Thuốc diệt khuẩn đường ruột (Metronidazol, Biseptol, Ciprofloxacin...)
*** Lưu ý: Cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn phù hợp với tình trạng của bạn, không tùy tiện mua thuốc để điều trị bệnh, để tránh gây ra những sai lầm không mong muốn.
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian như uống trà gừng, ăn lá mơ lông, nhai tỏi tươi... để cải thiện bệnh.
Phẫu thuật thường dành cho bệnh nhân bị viêm loét nặng sau khi điều trị bằng thuốc không thành công và có biến chứng như xuất huyết ồ ạt, thủng đại tràng, đại tràng phình nhiễm độc, ung thư, nghịch sản xuất hiện ở nhiều vị trí trong niêm mạc đại tràng.
Viêm đại tràng là căn bệnh có tính chất dai dẳng và khó chữa khỏi hoàn toàn, nên dễ bị tái phát và chuyển sang thể mãn tính. Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể giúp chữa khỏi triệt để viêm đại tràng ở giai đoạn mãn tính. Chính vì thế, người bệnh cần học cách “sống chung với lũ”. Điều trị bảo tồn tại nhà là biện pháp cần thiết nhằm mục đích làm giảm những biểu hiện khó chịu do bệnh gây ra.
Để cải thiện chứng sôi bụng, bạn rất cần chú ý tới chế độ sinh hoạt và thói quen ăn uống hằng ngày. Sau đây là những điểm nên lưu ý:
- Trước mắt không nên ăn đồ sống, tanh
- Không ăn đồ cay, nước ngọt có ga, cà phê, rượu
- Tránh thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ
- Có thể dùng thêm các gia vị: tỏi, gừng, quế trong nấu nướng để kích thích tiêu hóa.
- Tránh ăn muộn giờ.
- Nên ăn nhiều rau có chất xơ hòa tan để dễ tiêu hóa
- Nên uống men vi sinh hoặc bổ sung men vi sinh từ thực phẩm lên men để củng cố hệ lợi khuẩn đường ruột
- Đối với không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng, loại bỏ các thực phẩm vi phạm khỏi chế độ ăn uống của bạn - như gluten trong trường hợp bệnh celiac hoặc sữa nếu bạn không dung nạp lactose.
- Giảm tránh stress, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi điều độ
Chúc bạn luôn vui khỏe!