Trẻ em bị ngộ độc thức ăn thường nguy hiểm hơn so với người lớn. Nguyên nhân phần lớn do trẻ ăn phải thức ăn bị nhiễm độc, ôi thiu, thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh vật, thức phẩm chứa độc tố… Bên cạnh đó, bộ máy tiêu hóa của trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện nên dễ ngộ độc. Vậy cần làm gì khi trẻ bị ngộ độc thức ăn? Cha mẹ theo dõi các biện pháp xử trí khi con em mình gặp phải trường hợp này dưới đây.
Dấu hiệu trẻ bị ngộ độc thức ăn
Khi trẻ bị ngộ độc thức ăn thường có các biểu hiện như: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Các dấu hiệu thường xuất hiện sau khi ăn các thức ăn bị nhiễm độc từ 1 – 3 ngày. Trẻ nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày. Tình trạng đau bụng dữ dội, đau quặn từng cơn sau đó đi tiêu chảy thường xảy ra lúc đi ngoài… Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn mửa nổi bật hay tiêu chảy nổi bật hơn.
Nếu không được quan tâm và xử lý đúng cách ngộ độc thức ăn có thể khiến trẻ bị rối loạn điện giải, hạ đường huyết, sốt thậm chí là co giật… Sốt, đi ngoài phân nhày máu là dấu hiệu nhiễm khuẩn gây tổn thương ruột. Ngoài ra, trẻ bị ngộ độc thức ăn có thể biểu hiện nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não…
Cần làm gì khi trẻ bị ngộ độc thức ăn
Gây nôn cho trẻ
Khi trẻ bị ngộ độc thức ăn, điều đầu tiên cần làm là gây nôn cho trẻ. Đối với những trẻ có dấu hiệu ngộ độc thức ăn cần phải ngừng ăn ngay. Khẩn trương gây nôn cho trẻ để nôn càng nhiều càng tốt tống thức ăn ra bên ngoài. Nếu trẻ không nôn phải ngưng ngay và đưa trẻ đến bệnh viện để rửa dạ dày.
Khi trẻ nôn nếu trẻ đang nằm không nên dựng dây ngay mà nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh bị hít sặc. Gây nôn cho trẻ cần cho trẻ nằm nghiêng để tránh thức ăn bị sặc lên mũi.
Bổ sung oresol
Khi nôn, đi ngoài trẻ mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước, điện giải bằng oresol trẻ sẽ dần mệt lả, mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên tắc pha oresol đúng theo hướng dẫn, cần cho trẻ uống từ từ từng ít một, không nên cho uống quá nhiều một lúc. Trường hợp trẻ bị đi ngoài quá nhiều, cha mẹ thường cho con uống quá nhiều oresol khiến trẻ nôn vọt ra ngoài, không thể bù đắp tình trạng thiếu nước.
Ăn cháo loãng thịt nạc nấu cà rốt
Món ăn cháo loãng nấu với thịt nạc – cà rốt hoặc khoai tây, bí đỏ và một ít chuối xanh là những thứ giúp tạo khuôn phân cho trẻ giúp bé đi ngoài phân đặc hơn, tình trạng mất nước giảm đi.
Không dùng thuốc cầm tiêu chảy
Tình trạng tiêu chảy do nguyên nhân ngộ độc thức ăn khi ăn thức ăn lạ, hoặc những món kỵ nhau cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy.
Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm đi ngoài càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa lâu hơn, khiến người bệnh đầy hơi, chướng bụng, đau bụng vô cùng khó chịu. Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy cần có sự tư vấn của bác sĩ nếu không tình trạng của bé sẽ càng trầm trọng hơn.
Theo dõi nhiệt độ
Cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ của bé thường xuyên, xem số lần và tính chất dịch nôn, phân và nước tiểu.
Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế
Khi có các dấu hiệu nặng hơn như nôn nhiều, không thể uống hoặc bỏ bú, mệt nhiều, chất nôn có màu ngả xanh, trẻ có dấu hiệu sốt cao, phân có máu, trẻ rất khát, đau bụng nhiều, bụng trướng, đau đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày cần đưa trẻ tới cơ sở y tế.
Phòng ngừa ngộ độc thức ăn ở trẻ em
Ngộ độc thức ăn là bệnh cấp tính do ăn phải các thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Sử dụng thức ăn nguyên liệu kém, chế biến ở môi trường kém vệ sinh, nguồn nước ô nhiễm hay bảo quản thức ăn không đảm bảo vệ sinh…gây ra tình trạng ngộ độc ở trẻ. Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên xảy ra ngộ độc thức ăn thường nguy hiểm hơn người lớn. Do đó, để phòng ngừa tình trạng ngộ độc thức ăn ở trẻ cha mẹ cần lưu ý:
- Đảm bảo điều kiện vệ sinh tốt cho trẻ, cho trẻ uống nước sạch
- Nguồn thực phẩm sử dụng trong bữa ăn của trẻ cần đảm bảo vệ sinh, tươi sống, không bị nhiễm độc nhiễm khuẩn
- Quá trính chế biến thức ăn cần đảm bảo vệ sinh, thức ăn được nấu chín, bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ để tránh vi khuẩn xâm nhập. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi sử dụng
- Dạy trẻ có thói quen không tự ý ăn hay uống những chất lạ tránh trường hợp ngộ độc xảy ra
- Không nên cho trẻ ăn các loại nấm lạ vì nhiều loại nấm có độc mà người lớn nhiều khi cũng không nhận ra.
con em 17 tháng bị đi ngoài phân lỏng, bị nôn chớ không biết sao?