Ung thư đại trực tràng là loại ung thư ác tính, ảnh hưởng đến cả đại tràng và trực tràng. Ở nước ta, căn bệnh này được xếp thứ hai chỉ sau ung thư dạ dày. Bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ, tuổi càng lớn khả năng mắc bệnh càng cao. Để biết thêm thông tin về bệnh ở người lớn tuổi, các bạn có thể theo dõi bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân gây bệnh ung thư đại trực tràng
Những nguyên nhân gây bệnh ung thư đại trực tràng bao gồm:
Polip: Các polip lành tính ở trực tràng có thể phát triển thành các u ác tính gây ra ung thư đại trực tràng
Chế độ dinh dưỡng: Một thực đơn ăn uống quá nhiều chất béo và đạm động vật trong khi ít rau quả và chất xơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh viêm nhiễm đại trực tràng: Tình trạng viêm nhiễm xảy ra lâu ngày có thể tiến triển thành ung thư đại trực tràng
Kháng sinh đường ruột: Do sử dụng nhiều kháng sinh đường ruột khiến loạn khuẩn, thúc đẩy các tế bào ung thư phát triển
2. Yếu tố nguy cơ gây bệnh
Nếu nằm trong danh sách nguy cơ dưới đây thì khả năng mắc bệnh cao hơn so với những người bình thường.
- Tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng càng lớn. Theo thống kê có đến 90% người bị bệnh đều trên 50 tuổi, trung bình là 72 tuổi.
- Tiền sử gia đình: Trong gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột… bị mắc bệnh thì khả năng mắc bệnh ung thư đại trực tràng càng cao
- Polip đại trực tràng: Đa số các polip đều không gây nguy hại nhưng đôi khi chúng có thể tiến triển thành các tế bào gây ung thư. Vì vậy nên phát hiện sớm và cắt bỏ các polip để giảm nguy cơ gây bệnh.
- Người mắc bệnh viêm đại tràng lâu năm thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn người bình thường.
- Biến thái di thể của một số di thể có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh.
3. Triệu chứng bệnh ung thư đại trực tràng
Bệnh gây ra những triệu chứng làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Những triệu chứng tiêu biểu của bệnh thường là:
- Hội chứng lị: Người bệnh thường bị mót rặn, đau quặn bụng, đi đại tiện phân có nhầy mũi
- Hội chứng táo bón: Gây bán tắc ruột dần dần, rồi đi tới tắc ruột hoàn toàn thường gặp ở ung thư đại tràng bên trái.
- Ỉa lỏng, nhầy mũi, chướng bụng, bán tắc ruột, đau quặn thường gặp ở khối u đại tràng bên phải
Khi bệnh đã vào giai đoạn muộn, có thể sờ thấy những khối u qua thành bụng một cách dễ dàng. Người bệnh khám xét cận lâm sàng bằng cách thực hiện những phương pháp như sau:
1. Chụp baryte khung đại tràng
2. Nội soi trực tràng hay đại tràng
3. Siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm trong lòng ruột
4. Chụp cắt lớp vi tính.
Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này vì vậy cần phải có những kiến thức về bệnh, nguyên nhân và triệu chứgn để từ đó phát hiện sớm và có cách điều trị bệnh kịp thời.